Chè VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) là sản phẩm chè an toàn - sạch có quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển các mô hình chè theo tiêu chuẩn VietGAP đang được các nhà quản lý, người tiêu dùng và người trồng đặc biệt quan tâm.

Bảo Hưng là xã nằm trong vùng trọng điểm sản xuất chè của huyện Trấn Yên – Yên Bái có tổng diện tích chè gần 300 ha. Từ bao đời nay, cây chè luôn gắn bó mật thiết với người nông dân và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ trong xã.

Cây chè là cây công nghiệp mũi nhọn, nên Đảng bộ và chính quyền xã Bảo Hưng luôn tích cực vận động nhân dân trồng thay thế diện tích chè trung du già cỗi chất lượng thấp bằng các giống chè chất lượng cao như Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, chè lai LDT1… nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm chè.

Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học tỉnh Yên Bái (QSEAP) bắt đầu triển khai vào năm 2010: Triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển vùng sản xuất chè an toàn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020. Các vùng sản xuất chè tập trung trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được lấy mẫu đất, mẫu nước... để phân tích các chỉ tiêu về kim loại nặng, các chất gây ô nhiễm trong ngưỡng đảm bảo phù hợp với trồng chè.

Xã Bảo Hưng cũng là 1 trong 4 điểm của tỉnh Yên Bái được Dự án QSEAP lựa chọn để xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP sau khi xem xét đầy đủ các yếu tố để phát triển sản xuất chè theo hướng an toàn.

Sản xuất chè VietGAP đảm bảo ATVSTP ở Yên Bái

Các hộ dân trong toàn xã được hỗ trợ giống chè mới với chất lượng cao để nhằm thay thế dần diện tích chè đã già cỗi, năng suất thấp; được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn quy trình từ trồng chè, chăm sóc đến thu hái, chế biến và bảo quản chè theo tiêu chuẩn VietGAP khi tham gia chương trình. Đồng thời, các hộ dân phải tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu đề ra như: phải thường xuyên cập nhật sổ sách và ghi chép, theo dõi tình hình sản xuất của việc tuân thủ các tiêu chuẩn về xã hội, môi trường... Hiện nay, mô hình sản xuất chè VietGAP của xã Bảo Hưng đã hình thành 6 nhóm hộ với sự tham gia của 165 hộ dân có tổng diện tích 78,3 ha.

Đến năm 2013 - sau gần 3 năm thực hiện, Dự án QSEAP đã góp phần thay đổi rõ rệt nhận thức của mỗi hộ dân, mang lại những hiệu quả tích cực, sản lượng cũng như chất lượng chè và thu nhập của người dân đã được nâng lên đáng kể so với trước đây.

Anh Hà Văn Đông, trú tại thôn Trực Thanh - Bảo Hưng, một trong những hộ tham gia mô hình chia sẻ: “Năng suất chè khô trước đây chỉ đạt từ 5 - 7 kg/sào, giờ đạt tới 10 - 12 kg/sào. Từ khi được tham gia mô hình sản xuất chè an toàn do Dự án QSEAP triển khai, gia đình tôi đã dần dần thay thế diện tích chè trung du bằng các giống chè cành mới chất lượng cao như Bát Tiên, LDP1… cộng với việc áp dụng những kiến thức đã được học tôi thấy năng suất cao mà lại tiết kiệm được chi phí về phân bón và thuốc BVTV”.

Sau một thời gian sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân đã thấy rõ lợi ích khi tham gia mô hình như giá chè tăng, môi trường trong sạch, an toàn hơn nên các hộ tham gia mô hình đều yên tâm sản xuất và đã vận động được các hộ trong thôn làm theo.

Sản xuất chè an toàn theo VietGAP đã dần dần giúp người dân biết áp dụng những tiến bộ trong sản xuất vào thực tế, biết ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chè, sức khỏe, môi trường…

Dự kiến năm 2014 sẽ đầu tư xây dựng một nhà xưởng sản xuất chè đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với công suất 3 tấn chè tươi/ngày tại xã Bảo Hưng – Trấn Yên – Yên Bái”. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đặc biệt là đường xá đi lại giữa khu sản xuất chè an toàn với các chợ đầu mối.





0 nhận xét:

Đăng nhận xét