Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Phát triển mô hình du lịch làng chè kết hợp với phát triển sản xuất chế biến chè chắc chắn sẽ mang lại lợi ích kép cho sự phát triển kinh tế và văn hóa của mỗi vùng chè Thái Nguyên.
"Đệ nhất danh trà"- Thái Nguyên đã được xem là một vùng tài nguyên thu hút khách du lịch, bởi nơi đây luôn bao hàm các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của chè Thái Nguyên. Từ lâu,Thái Nguyên được biết đến như "cái nôi" của văn hóa trà Việt, không những thế, các làng chè lại nằm giữa một vùng thiên nhiên tươi đẹp, giữa vùng di tích lịch sử độc đáo và vùng văn hóa đậm đà bản sắc nhiều dân tộc.

Trên nước ta có rất nhiều làng nghề truyền thống nhưng ít nơi đâu có tới 50 làng nghề chè nổi tiếng rải khắp các huyện, thành phố, thị xã như Thái Nguyên. Làng chè Tân Cương bên Hồ Núi Cốc, một cảnh quan mênh mang "sơn thủy hữu tình"; làng chè Đại Từ lại nằm sát chân núi Tam Đảo nơi rừng núi bao la với những cánh rừng quốc gia trải dài; những làng chè ở Đồng Hỷ, Định Hóa, Võ Nhai chạy theo dọc theo chân núi đá vôi lô nhô với nhiều hang động, thác nước kỳ thú. Không những thế các làng chè còn gắn kết với không gian văn hóa lịch sử của chiến khu Việt Bắc năm xưa, vùng đất ATK thủ đô gió ngàn.


Du lịch làng nghề đang là lựa chọn số một của du khách theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch đưa ra. Trong tổng số 800 triệu du khách trên toàn thế giới lượng du khách chọn du lịch văn hóa làng nghề chiếm tới 60%. Sản phẩm chè nổi tiếng cùng với sự đa dạng về tài nguyên của các làng chè Thái Nguyên chắc chắn sẽ cuốn hút được du khách trong và ngoài nước.

Theo các chuyên gia du lịch nhận định, sự liên kết và chia sẻ lợi nhuận giữa hãng du lịch với người dân làng nghề là điều kiện tiên quyết cho việc duy trì và phát triển du lịch làng nghề, có như vậy người dân mới yên tâm sản xuất và có động cơ tích cực để tìm hiểu cách làm du lịch.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét